Vùng hỗ trợ và vùng kháng cự

Vùng hỗ trợ (Support Zone)

Trong trường hợp giá cổ phiếu đang giảm, vùng hỗ trợ có tác dụng ngăn chặn giá khỏi tiếp tục giảm sâu, thậm chí có khả năng làm cho giá tăng trở lại. Những vùng này hỗ trợ cho giá khỏi nguy cơ tiếp tục đi xuống. Đây chính là lý do những chúng được gọi là ‘vùng hỗ trợ’.

Vùng hỗ trợ luôn được vẽ theo phương ngang trên biểu đồ giá. Sau đây là hai ví dụ về vùng hỗ trợ.

Vùng hỗ trợ trên biểu đồ giá của Vinamilk (VNM).
Vùng hỗ trợ trên biểu đồ giá của Vinamilk (VNM). Nguồn: Vietstock

Vùng hỗ trợ trong hình được đại diện bằng khu vực màu hồng. Giá cổ phiếu của VNM có xu hướng dừng đà giảm và tăng trở lại khi rơi vào vùng hỗ trợ. Vùng hỗ trợ trong trường hợp này kéo dài từ tháng 11 2018 cho đến tận đầu năm 2020. Tất nhiên là vùng hỗ trợ sẽ không kéo dài được mãi, nó đã hết hiệu lực khi bị đâm thủng vào đầu năm 2020 như thể hiện trong hình.

Thông thường khi vùng hỗ trợ bị đâm thủng, một lượng khối lượng giao dịch lớn sẽ diễn ra. Dựa vào hình trên, ngay mốc thời gian bị đâm thủng, bạn có thể thấy các cột khối lượng (góc dưới hình) đã tăng lên rõ ràng so với khu vực xung quanh. Một điều nữa bạn có thể rút ra khi xem hình là sau khi vùng hỗ trợ bị đâm thủng, giá có xu hướng sẽ di chuyển xung quanh phía dưới vùng hỗ trợ thêm một thời gian nữa trước khi hoàn toàn giảm sâu.

Vùng hỗ trợ trên biểu đồ giá của ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB).
Vùng hỗ trợ trên biểu đồ giá của ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB). Nguồn: Vietstock

Vùng hỗ trợ trong hình được đại diện bằng khu vực màu hồng. Giá cổ phiếu MBB dừng đà giảm khi tiến gần đến vùng hỗ trợ. Vùng hỗ trợ của MBB có hiệu lực từ đầu tháng 7 2021 đến khi chính thức bị đâm thủng vào tháng 9 2022.

Bạn có thể thấy giá đã giảm vượt qua vùng hỗ trợ một lần vào đầu tháng 7 2022 nhưng đã hồi phục được về phía trên của vùng. Tuy nhiên, giá vẫn chính thức rớt ra khỏi vùng vào tháng 9 sau đó. Và đồng hành với đó là một cột lớn khối lượng giao dịch đã diễn ra khi vùng hỗ trợ bị đâm thủng. Khối lượng giao dịnh lớn là điều thường xảy ra khi vùng hỗ trợ bị phá vỡ.

Vùng kháng cự (Resistance Zone)

Trong trường hợp giá cổ phiếu đang tăng, vùng kháng cự làm cho giá bị mất đà tăng trưởng, thậm chí có khả năng làm cho giá rơi trở lại. Những vùng này kháng cự lại việc cổ phiếu tăng giá. Đây chính là lý do những chúng được gọi là ‘vùng kháng cự’. Khùng kháng cự là sự đối nghịch của vùng hỗ trợ.

Vùng kháng cự luôn được vẽ theo phương ngang. Sau đây là hai ví dụ về vùng kháng cự.

Vùng kháng cự trên biểu đồ giá của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG).
Vùng kháng cự trên biểu đồ giá của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG). Nguồn: Vietstock

Biểu đồ giá theo ngày của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG).

Vùng kháng cự được thể hiện bằng khu vực màu hồng. Giá cổ phiếu MWG bị chặn lại, không thể tiếp tục đà tăng khi tiến lại khu vực này. Có những giai đoạn MWG thậm chí không thể tiến lại quá gần vùng kháng cự. Vùng kháng cự kìm hãm MWG từ tận tháng 11 2017 cho đến khi nó bị phá vỡ vào tháng 7 2019.  

Sự phá vỡ của vùng kháng cự cũng sẽ thường đồng hành với sự tăng lên của khối lượng. Nhưng trong trường hợp này của MWG, khối lượng tăng lên không đáng kể. Giá sau khi vượt qua được vùng kháng cự sẽ có xu hướng rơi nhẹ xuống trở lại trước khi tiếp tục đà tăng.

Vùng kháng cự trên biểu đồ giá của ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Vùng kháng cự trên biểu đồ giá của ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB). Nguồn Vietstock

Biểu đồ giá theo ngày của ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB)

Một ví dụ khác về vùng kháng cự từ cổ phiếu VCB, vùng kháng cự ngăn giá vượt qua mức 25 – 26 nghìn Đồng. Nhưng VCB đã thành công bứt phá vào tháng 11 2017, và đồng hành với sự bật lên rõ ràng của khối lượng. Cũng giống như MWG, giá VCB cũng có điều chỉnh (rơi) nhẹ xuống vùng kháng cự trước khi tiếp tục đà tăng.

Cách vẽ vùng hỗ trợ và kháng cự

Hầu như ở bất cứ phần mềm biểu đồ giá nào cũng cung cấp các công cụ để vẽ vùng hỗ trợ và kháng cự. Nếu các bạn xem biểu đồ giá ở Vietstock, hãy tập trung về phía góc trái màn hình trong phần ‘Phân tích kỹ thuật’, bạn sẽ thấy các công cụ này.

Điều kiện để vẽ vùng hỗ trợ là giá phải tạo ra được ít nhất 3 đáy có chiều sâu xấp xỉ nhau. Sau đó, nối 3 đáy đó lại với nhau bằng một hình chữ nhật nằm ngang.

Điều kiện để vẽ vùng kháng cự cũng tương tự. Chỉ khác rằng thay vì 3 đáy, bạn sẽ phải nối 3 đỉnh có chiều cao xấp xỉ lại với nhau.

Cách sử dụng vùng hỗ trợ và kháng cự

Khi giá rơi vào vùng hỗ trợ, đây là cơ hội mua vì giá có khả năng bật cao trở lại. Ngược lại, khi giá tiến vào vùng kháng cự, bạn nên cân nhắc bán vì giá có khả năng giảm.

Sự phá vỡ của vùng hỗ trợ và kháng cự cũng được xem là cơ hội tiềm năng để giao dịch. Khi vùng hỗ trợ bị phá vỡ, bạn nên cân nhắc bán vì khả năng cao là một xu hướng giá giảm sẽ bắt đầu. Và khi vùng kháng cự bị phá vỡ, xu hướng giá tăng có khả năng sẽ xảy ra, bạn nên suy nghĩ về việc mua.

Vùng hỗ trợ và kháng cự còn có ích trong việc xác định điểm thoát lệnh. Khi bạn đang có lệnh bán khống (short selling) đang diễn ra và giá giảm vào vùng hỗ trợ, vùng hỗ trợ lúc này sẽ là điểm thoát lệnh hợp lý để bảo toàn lợi nhuận. Ngược lại, khi lệnh mua đang diễn ra và giá tăng vào vùng kháng cự, bạn nên kết thúc lệnh ở đây để ‘chốt lời’ trước khi giá giảm.  

Đường xu hướng

Đường xu hướng (Trendline) là một đường thẳng được vẽ song song và tiếp giáp với hướng di chuyển chính của giá để xác định xu hướng chính của giá. Bởi vì giá thường di chuyển theo một hướng chung cố định. Nên việc sử dụng đường xu hướng sẽ giúp các nhà đầu tư hình dung được hướng dịch chuyển tiếp theo của giá trong tương lai.

Không như vùng hỗ trợ và kháng cự –  được vẽ theo phương ngang. Đường xu hướng được đại diện bằng một đường chéo.

Có hai loại đường xu hướng: đường xu hướng tăng và đường xu hướng giảm.

Đường xu hướng tăng

Đường xu hướng tăng được sử dụng khi giá đang đi lên. Và được đại diện bằng một đường chéo có chiều tăng lên.

Sau đây là hai ví dụ về đường xu hướng tăng.

Đường xu hướng tăng trên biểu đồ giá của tập đoàn VINGROUP (VIC).
Đường xu hướng tăng trên biểu đồ giá của tập đoàn VINGROUP (VIC). Nguồn: Vietstock

Biểu đồ giá theo ngày của tập đoàn VINGROUP (VIC).

Đường xu hướng tăng được đại diện bằng đường thẳng màu xanh biển. Và được vẽ bằng cách nối các đáy của giá lại với nhau. Giá cổ phiếu VIC tăng trở lại vào tạo đỉnh mới khi chạm vào đường xu hướng. Đường xu hướng của VIC diễn ra từ tháng 11 2018 cho đến khi nó bị phá vỡ vào đầu tháng 10 2019.

Cũng giống với vùng hỗ trợ và kháng cự, thông thường khi đường xu hướng bị phá vỡ, một lượng lớn khối lượng sẽ diễn ra. Trong hình, bạn có thể thấy các cột khối lượng (góc dưới hình) đã tăng lên so với khu vực xung quanh khi đường xu hướng bị phá vỡ. Hơn nữa, giá có xu hướng quay trở lại gần phía bên dưới đường xu hướng một lần nữa trước khi giảm sâu.

Đường xu hướng tăng trên biểu đồ giá của CTCP Xây dựng và Giao thông Bình Dương (BCE).
Đường xu hướng tăng trên biểu đồ giá của CTCP Xây dựng và Giao thông Bình Dương (BCE). Nguồn: Vietstock

Biểu đồ giá theo ngày của CTCP Xây dựng và Giao thông Bình Dương (BCE)

Như hình, giá cổ phiếu BCE tiếp tục tăng dần dọc theo đường xu hướng. Giá tăng bật trở lại và tạo đỉnh mới sau mỗi lần tiếp giáp với đường. Khi bị đâm thủng, một lượng lớn đáng kể khối lượng giao dịch đã diễn ra, xác nhận sự kết thúc của cả đường xu hướng và chu kỳ giá tăng.

Đường xu hướng giảm

Đường xu hướng giảm được sử dụng khi giá đang đi xuống. Và được đại diện bằng một đường chéo có chiều giảm xuống.

Sau đây là hai ví dụ.

Đường xu hướng giảm trên biểu đồ giá của CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG).
Đường xu hướng giảm trên biểu đồ giá của CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG). Nguồn: Vietstock

Biểu đồ giá theo ngày của CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG)

Đường xu hướng giảm được vẽ phía trên của hướng di chuyển của giá. Tức là nó nối các đỉnh của giá lại với nhau. Như hình trên, đường xu hướng của AGG Kéo dài từ tháng 7 2022 cho đến khi bị phá vỡ vào tháng 7 2023.

Mỗi khi tiến lại gần đường xu hướng, giá cổ phiếu AGG dừng đà tăng và liên tục tạo ra các đáy mới thấp hơn. Khi giá cổ phiếu phá vỡ đường xu hướng, khối lượng giao dịch cũng tăng lên.

Đường xu hướng giảm trên biểu đồ giá của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL)
Đường xu hướng giảm trên biểu đồ giá của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL). Nguồn: Vietstock

Biểu đồ giá theo ngày của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL)

Giá ACL liên tiếp giảm sau mỗi lần tiếp cận với đường xu hướng.

Khi bị phá vỡ, không giống như những ví dụ ở trên, trong trường hợp này khối lượng giao dịch chỉ tăng nhẹ và không đáng kể. Điều này cũng dễ hiểu vì khối lượng lớn không phải lúc nào cũng xảy ra khi đường xu hướng bị phá vỡ.

Cách vẽ đường xu hướng

Để vẽ đường xu hướng tăng, điều kiện là giá phải tạo được ít nhất 3 đáy cao dần (đáy sau cao hơn đáy trước đó). Sau đó, bạn nối 3 đáy đó lại với nhau bằng một đường chéo có chiều hướng lên.

Để vẽ đường xu hướng giảm, điều kiện là giá phải tạo được ít nhất 3 đỉnh thấp dần. Sau đó, bạn nối 3 đỉnh đó lại với nhau bằng một đường chéo có chiều đi xuống.

Cách sử dụng đường xu hướng

Khi giá rơi vào đường xu hướng tăng, đây là cơ hội mua vì giá có khả năng bật cao trở lại. Ngược lại, khi giá tiến vào đường xu hướng giảm, bạn nên cân nhắc bán vì giá có khả năng quay về phía dưới.

Khi đường xu hướng tăng bị phá vỡ, bạn nên cân nhắc bán vì khả năng cao là một xu hướng giá giảm sẽ bắt đầu. Và khi đường xu hướng giảm bị đâm thủng, một xu hướng giá tăng có khả năng sẽ xảy ra, bạn nên suy nghĩ về việc mua.

Một vài lưu ý quan trọng về vùng hỗ trợ, vùng kháng cự, và đường xu hướng

Khi những công cụ này bị phá vỡ, mặc dù sẽ thường xuyên được đồng hành bởi khối lượng giao dịch lớn. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng xảy ra, có những trường hợp bị phá vỡ nhưng khối lượng không thay đổi đáng kể.

Có thể bạn đã nhận ra từ các ví dụ trên, cả 3 công cụ, vùng hỗ trợ, vùng kháng cự, và đường xu hướng đều mang tính ước lượng. Có rất nhiều trường hợp giá chỉ gần chạm tới hoặc vượt hẵn qua khỏi những vùng hoặc đường này. Do vậy, khi sử dụng những công cụ này, xác định chính xác khi nào giá sẽ đảo chiều là gần như bất khả thi, chúng ta chỉ có thể ước lượng và chấp nhận sai số.

Bạn không nên giao dịch chỉ bằng việc chỉ dựa vào vùng hỗ trợ, vùng kháng cự, và đường xu hướng. Mà nên kết hợp với những công cụ khác trong phân tích kỹ thuật để tăng xác suất sinh lời.

Lời Kết

Vùng hỗ trợ, vùng kháng cự, và đường xu hướng là những công cụ quan trọng trong phân tích kỹ thuật. Chúng giúp nhà giao dịch trực quan hóa hướng di chuyển chính của giá, xác định điểm vào lệnh, và thoát lệnh một cách hiệu quả. Tuy nhiên, những công cụ này không phải lúc nào cũng cho ra những kết quả chính xác. Do đó, cần lưu ý khi sử dụng và kết hợp với những công cụ khác để tăng xác suất phán đoán chính xác trong giao dịch và đầu tư.