Phân tích cơ bản là gì?

Phân tích cơ bản (Fundamental Analysis) tập trung vào việc nghiên cứu và đánh giá các yếu tố cơ bản nhất tạo nên giá trị của một công ty hoặc có khả năng ảnh hưởng đến công ty. Những yếu tố này bao gồm các số liệu tài chính, nội bộ của công ty, và xu hướng thay đổi của ngành.

Hãy tưởng tượng rằng bạn đang chuẩn bị mua một chiếc xe máy mới, bạn sẽ phải kiểm tra về động cơ, hộp số, hoặc đèn pha của chiếc xe máy đó. Đó là những điều cơ bản và quan trọng nhất của một chiếc xe máy. Việc mua cổ phiếu cũng vậy, bạn phải kiểm tra những số liệu cơ bản của công ty. Ví dụ: Lợi nhuận, tỷ lệ nợ, chiến lược kinh doanh, v.v… Đây chính là lý do tại sao phương pháp này được gọi là ‘phân tích cơ bản’.

Phân tích cơ bản có thể được chia thành 3 bước chính.

Bước 1: Thu thập và đánh giá các chỉ số tài chính

Thu thập và đánh giá các chỉ số tài chính tài của cổ phiếu là bước đầu tiên cũng như là bước quan trọng nhất trong phân tích cơ bản.

Điều quan trọng bạn phải đặc biệt lưu ý là các chỉ số tài chính thường sẽ vô nghĩa nếu bạn không so sánh chúng với các công ty đối thủ trong cùng nhóm ngành. Giả sử bạn đang thu thập các chỉ số của một cổ phiếu ngân hàng để đánh giá, bạn sẽ phải đồng thời thu thập những chỉ số đó nhưng của các ngân hàng khác để tạo điều kiện cho việc so sánh sau này.

Sau khi thu thập đầy đủ các chỉ số của công ty bạn đang nhắm tới và các công ty đối thủ, bước tiếp theo là so sánh các dữ liệu đó để đánh giá xem công ty của bạn có đang làm tốt hơn so với các đối thủ hay không. Một gợi ý nhỏ là bạn có thể dùng Excel, tạo các cột khác nhau cho mỗi công ty để tiện cho việc so sánh.

Bạn có thể dễ dàng thu thập các chỉ số tài chính ở những trang web chuyên về chứng khoán như Vietstock, CafeF, TVSI, hoặc trực tiếp từ báo cáo tài chính của công ty.

Sau đây Tài Chính Học sẽ giới thiệu những chỉ số quan trọng cần được thu thập và đánh giá.

Chỉ số thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS)

EPS thể hiện lợi nhuận của công ty trên một cổ phiếu. Nói cách khác, EPS cho chúng ta biết với mỗi một cổ phiếu, công ty đã kiếm được bao nhiêu tiền. Ví dụ: EPS = 7,000 có nghĩa là cứ mỗi một cổ phiếu, công ty đã tạo ra được lợi nhuận là 7,000 Đồng.

công thức cách tính chỉ số EPS

Chỉ số EPS cao đồng nghĩa với việc công ty tạo ra được nhiều lợi nhuận.

Trong đó:

  • Cổ tức ưu đãi là số cổ tức được trả cho nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu ưu đãi. Bạn có thể đọc thêm về cổ tức tại đây.
  • Nói một cách đơn giản, lượng cổ phiếu bình quân đang lưu hành tương đương với tổng số cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường.

Chỉ số giá trên thu nhập (P/E)

P/E thể hiện số tiền mà ta phải bỏ ra để thu được một đồng lợi nhuận từ cổ phiếu. Ví dụ nếu P/E là 47 thì có nghĩa là bạn phải bỏ ra 47 Đồng cho 1 Đồng lợi nhuận của công ty. Do vậy, P/E càng thấp thì chứng tỏ cổ phiếu càng rẻ và càng có tiềm năng tăng giá.

công thức cách tính chỉ số P/E

Trong đó:

  • Giá cổ phiếu đơn giản là giá hiện tại của cổ phiếu trên thị trường.
  • Thu nhập trên mỗi cổ phiếu chính là EPS đã đề cập ở phần trên.

Chỉ số giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu (BVPS)

Để hiểu được BVPS, trước bạn phải hiểu về khái niệm giá trị sổ sách. Giá trị sổ sách là tổng tài sản hữu hình của công ty (tòa nhà, máy móc, hàng hóa,…) trừ cho tổng số nợ của công ty đó. Giá trị sổ sách còn thường được gọi là giá trị ròng.

BVPS đơn giản là giá trị sổ sách chia cho tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Ví dụ: BVPS là 20 nghìn Đồng, nếu công ty giải thể và trả hết nợ, bạn có khả năng sẽ nhận được 20 nghìn Đồng nếu giữ một cổ phiếu. Do vậy, BVSP càng cao thì càng có lợi.

Chỉ số giá trên giá trị sổ sách (P/B)

P/B thể hiện số tiền mà các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra cho mỗi đồng giá trị sổ sách của công ty. Đây chính là lý do tại sao tỷ lệ này được gọi là ‘giá trên giá trị sổ sách’. P/B càng thấp thì cổ phiếu càng rẻ và càng có tiềm năng tăng giá.

Chỉ số nợ trên vố chủ sở hữu (D/E)

Chỉ số D/E cho chúng ta biết tỷ lệ giữa tổng nợ của công ty so với tổng giá trị góp vốn của chủ sở hữu. Chỉ số D/E thấp có nghĩa công ty dùng ít nợ trong các hoạt động kinh doanh của mình. Do vậy, D/E càng thấp càng ít rủi ro cho nhà đầu tư.

Chỉ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA)

ROA thể hiện khả năng tạo ra lợi nhuận của một công ty dựa vào tổng tài sản. Ví dụ: Nếu tổng tài sản của công ty trong 2023 là 1000 tỷ đồng và công ty tạo lợi nhuận ròng trong cùng năm là 100 tỷ đồng, ROA sẽ là 10%. ROA càng cao có nghĩa công ty càng có khả năng sinh lời.

Không giống như P/E hoặc P/B, ROA thường được thể hiện dưới dạng phần trăm. Đó là lý do tại sao chúng ta phải nhân 100 trong công thức để kết quả có dạng phần trăm.

Bước 2: Tìm hiểu về nội bộ của công ty

Sau khi đã nghiên cứu về các chỉ số tài chính, bước tiếp theo bạn nên làm là tìm hiểu về nội bộ của công ty. Sau đây là một vài câu hỏi bạn có thể hỏi trong khi tìm hiểu:

  • Ai là những lãnh đạo quan trọng của công ty? Chuyên môn của họ là gì? Và liệu bạn nghĩ họ có thể giúp công ty tiếp tục phát triển trong tương lai hay không?
  • Công ty họp đại hội đồng cổ đông vào ngày nào trong năm? Và những thông tin quan trọng nào sẽ được bàn luận trong phiên họp?
  • Công ty của bạn có từng vướng phải những bê bối hoặc khủng hoảng nào trong quá khứ hay không? Nếu có, công ty đã giải quyết như thế nào?
  • V.v…

Bước 3: Dự đoán xu hướng thay đổi của ngành

Sau khi đánh giá các chỉ số tài chính và tìm hiểu về nội bộ của công ty. Bước cuối cùng bạn nên làm là dự đoán xu hướng thay đổi của ngành mà công ty đang hoạt động. Giả sử bạn đang nhắm tới công ty Vietnam Airlines, thì bạn phải dự đoán những thay đổi có thể xảy ra của ngành hàng không trong tương lai.

Lý do bạn nên làm điều này là vì cho dù nội bộ công ty có hoạt động tốt nhưng những lý do bên ngoài liên quan đến ngành hoặc thị trường cũng có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Ví dụ: Một công ty du lịch có các chỉ số tài chính hoàn hảo nhưng cũng không thể nào chống lại được ảnh hưởng của đại dịch lên ngành du lịch. Và tất nhiên công ty du lịch đó cũng sẽ chịu tổn thất mặc dù đây không phải vấn đề xuất phát từ công ty.

Để nghiên cứu và hiểu rõ về ngành, sau đây là những câu hỏi bạn có thể hỏi khi tìm hiểu:

  • Khủng hoảng kinh tế liệu có khả năng xảy ra? Tình hình lạm phát đang như thế nào? Với bức tranh kinh tế hiện tại liệu có thích hợp để đầu tư?
  • Trong ngành ai là đối thủ cạnh tranh của công ty bạn? Công ty bạn có những lợi thế cạnh tranh nào so với đối thủ?
  • Xu hướng của khách hàng sẽ thay đổi như thế nào trong tương lai? Và liệu công ty của bạn có thể đáp ứng được sự thay đổi đó của khách hàng hay không?
  • Những loại công nghệ nào có thể làm tăng khả năng cạnh tranh của các công ty trong ngành? Và liệu công ty của bạn có sở hữu công nghệ đó hay không?
  • Những quy định pháp luật mới nào có thể được đưa ra? Và công ty của bạn có khả năng tuân thủ các quy định đó hay không? Những quy định này có thể là về thuế, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, hoặc quy định về kiểm toán.
  • V.v…

Nên kết hợp cả phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật

Ngoài phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật cũng là một phần quan trọng và không thể thiếu trong việc đánh giá cổ phiếu. Phân tích kỹ thuật tập trung vào nghiên cứu biểu đồ giá của cổ phiếu trong quá khứ và hiện tại để dự đoán về giá cổ phiếu trong tương lai.

Giả sử bạn đã hoàn thành phân tích cơ bản và kết luận cổ phiếu thực sự đáng mua. Câu hỏi tiếp theo là “khi nào sẽ là thời điểm thích hợp để mua?” hoặc “đâu là điểm thích hợp để vào lệnh?”. Đây chính là lúc bạn phải sử dụng phân tích kỹ thuật. Bằng cách dựa vào biểu đồ giá và các công cụ phân tích kĩ thuật, bạn sẽ xác định được xu hướng di chuyển chung hiện tại của giá cổ phiếu. Từ đó, bạn sẽ có cở sở để đưa ra quyết định về thời điểm mua có lợi nhất cho bạn.

Điều cuối cùng bạn cần lưu ý

Có 3 bước chính trong phân tích cơ bản. Bước một là thu thập và so sánh các chỉ số tài chính của công ty bạn và các công ty đối thủ. Bước hai là tìm hiểu về nội bộ của công ty. Ở bước ba cũng là bước cuối, bạn dự đoán xu hướng thay đổi của ngành mà công ty đang hoạt động.

Một gợi ý nhỏ là bạn không nhất thiết phải tuân thủ các bước theo thứ tự, bạn có thể thay đổi trình tự các bước. Ví dụ nếu bạn dự đoán tới ngành bất động sản sẽ được hưởng lợi từ chính sách nới lỏng tài khóa của chính phủ, bạn hoàn toàn có nghiên cứu bước 3 trước bước 1 và 2. Nhưng dù thứ tự các bước có thể thay đổi, bạn phải chắc chắn rằng mình hoàn thành đủ cả 3 bước trước khi quyết định mua cổ phiếu.

Như vậy, bạn đã được giới thiệu về 3 bước chính trong phân tích cơ bản. Chúc bạn thành công với việc đầu tư của mình và hẹn gặp lại ở những bài viết sau.