Trong phân tích cổ phiếu, ta có hai phương pháp chính. Đó là phân tích cơ bản và phân tích kĩ thuật.

Phân tích cơ bản

Hãy tưởng tượng rằng bạn đang chuẩn bị mua một chiếc xe máy mới, bạn sẽ phải kiểm tra về động cơ, hộp số, hoặc đèn pha của chiếc xe máy đó. Đó là những điều cơ bản và quan trọng nhất của một chiếc xe máy. Việc mua cổ phiếu cũng vậy, bạn phải kiểm tra những số liệu cơ bản của công ty. Ví dụ: Lợi nhuận gộp, tỷ lệ nợ, chiến lược kinh doanh, …. Đây chính là lý do tại sao kiểu phân tích này được gọi là ‘phân tích cơ bản’.

Những số liệu tài chính quan trọng trong phân tích cơ bản

Sau đây là những số liệu quan trọng cần phải được xem xét khi phân tích cơ bản:

  • Chỉ số giá trên thu nhập (P/E):

P/E thể hiện số tiền mà ta phải bỏ ra để thu được một đồng lợi nhuận từ cổ phiếu. Ví dụ nếu P/E là 47 thì có nghĩa là bạn phải bỏ ra 47 đồng để thu được 1 đồng lợi nhuận. Do vậy, P/E càng thấp thì cổ phiếu càng rẻ và càng có tiềm năng tăng giá.

  • Chỉ số giá trên giá trị sổ sách (P/B):

P/B thể hiện số tiền mà các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra cho mỗi đồng giá trị tài sản ròng của công ty trên mỗi cổ phiếu. Mà tài sản ròng được thể hiện bằng giá trị sổ sách. Đây chính là lý do tại sao tỷ lệ này được gọi là ‘giá trên giá trị sổ sách’.

P/B càng thấp thì cổ phiếu càng rẻ và càng có tiềm năng tăng giá.

  • Chỉ số nợ trên vố chủ sở hữu (D/E):

Chỉ số D/E cho chúng ta biết tỷ lệ giữa tổng giá trị số nợ của công ty so với tổng giá trị góp vốn của chủ sở hữu. Chỉ số D/E thấp có nghĩa công ty dùng ít nợ trong các hoạt động kinh doanh của mình. Đồng nghĩa với việc ít rủi ro hơn.

  • Dòng tiền tự do (FCF):

Dòng tiền tự do là tổng số tiền công ty tạo ra được trừ đi tổng chi phí từ hoạt động kinh doanh. Dòng tiền dương nghĩa là tiền di chuyển vào công ty nhiều hơn tiền di chuyển ra, và ngược lại là dòng tiền âm. Dĩ nhiên là mọi nhà đầu tư luôn muốn thấy dòng tiền dương từ công ty mà họ mua cổ phiếu.

Làm gì tiếp theo sau khi sau khi có các số liệu tài chính?

Xem xét các số liệu tài chính là bước đầu tiên trong phân tích cơ bản. Nhưng nếu thật sự muốn hiểu được ý nghĩa của chúng thì bạn phải so sánh.

So sánh trong trường hợp này có nghĩa là ta lấy cùng một loại số liệu nhưng của hai hoặc nhiều cổ phiếu khác nhau trong cùng một nhóm ngành để so sánh và xác định xem cổ phiếu nào có vượt trội hơn.

Vi dụ: Nếu muốn so sánh chỉ số P/E của bốn cổ phiếu, thì bốn cổ phiếu đó phải nằm trong cùng một nhóm ngành. Có thể là bốn cổ phiếu ngân hàng hoặc nông nghiệp. Trong bốn cổ phiếu đó, cổ phiếu nào có chỉ số P/E càng thấp thì càng tiềm năng.

Xem xét cả tình hình chung của ngành và nền kinh tế

Một điều quan trọng cần lưu ý là không chỉ xem xét những thông tin liên quan đến công ty, mà các thông tin chung liên quan đến cả ngành và nền kinh tế.

Lấy ví dụ về du lịch, về ngành trước, bạn phải xem xét số lượng du khách hàng năm tăng hay giảm, sự phục hồi của ngành du lịch sau đại dịch, xếp hạng của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới, v.v…

Còn về nền kinh tế, bạn nên xem xét mức thu nhập của khách du lịch, tỷ giá hối đoái, giá xăng dầu (vì liên quan đến hàng không), v.v…

Phân tích kỹ thuật

Phương thức phân tích thứ hai là phân tích kỹ thuật. Phân tích kỹ thuật tập trung vào nghiên cứu biểu đồ giá của cổ phiếu trong quá khứ và hiện tại để dự đoán về giá cổ phiếu trong tương lai.

Thay vì tập trung vào các chỉ số tài chính của công ty như phân tích cơ bản, những nhà phân tích kỹ thuật lưu tâm nhiều về sự thay đổi của giá cổ phiếu qua thời gian, khối lượng giao dịch, cũng như là cung và cầu của cổ phiếu trên thị trường.

Biểu đồ giá của công ty cổ phần sữa Việt Nam. Nguồn: TradingView

Hình trên là một ví dụ về biểu đồ giá. Biểu đồ giá là một phần không thể thiếu trong phân tích kỹ thuật vì nó giúp chúng ta hình dung một cách trực quan về cách giá của cổ phiếu thay đổi theo thời gian. Và dựa vào đó, những dự đoán về xu hướng giá trong tương lai có thể được đưa ra.

Những công cụ phổ biến trong phân tích kỹ thuật

  • Đường xu hướng:

Đường xu hướng là các đường thẳng được vẽ trên biểu đồ, kết nối các mức giá cao hoặc thấp của cổ phiếu. Chúng giúp xác định hướng di chuyển chung của giá và các mức hỗ trợ hoặc kháng cự tiềm năng.

  • Đường trung bình:

Đường trung bình thể hiện giá trị trung bình của giá cổ phiếu qua một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ: Giá cổ phiếu của 3 ngày liên tiếp lần lượt là 27 nghìn, 28 nghìn, và 29 nghìn. Thì đường trung bình sẽ có giá trị là 28 nghìn vào ngày thứ 3. Sử dụng giá trị trung bình giúp bạn nhận biết được xu hướng di chuyển chính của giá cổ phiếu.

  • Phân tích khối lượng:

Khối lượng đại diện cho số lượng cổ phiếu được giao dịch. Phân tích khối lượng giúp các nhà giao dịch đánh giá sức mạnh của biến động giá và xác nhận xu hướng.

Nên kết hợp cả phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật

Các nhà đầu tư thường so sánh sự khác biệt giữa phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật, tuy nhiên, cả hai phương pháp nên được kết hợp để tạo ra một chiến lược đầu tư toàn diện.

Khi bạn chuẩn bị nghiên cứu một cổ phiếu mới để quyết định xem nó có đáng mua hay không, Tài Chính Học khuyên bạn nên bắt đầu với phân tích cơ bản trước. Thu thập những số liệu tài chính quan trọng của công ty rồi so sánh với các công ty đối thủ. Tiếp theo, những thông tin hoặc sự kiện của ngành và nền kinh tế mà có khả năng ảnh hưởng đến cổ phiếu đó cũng phải được cân nhắc trước khi quyết định liệu có nên đầu tư.

Giả sử nếu sau khi phân tích cơ bản và bạn quyết định cổ phiếu đó đáng đầu tư. Câu hỏi tiếp theo là “khi nào sẽ là thời điểm thích hợp để mua?” hoặc “đâu là điểm thích hợp để vào lệnh?”. Đây chính là lúc bạn phải sử dụng phân tích kỹ thuật. Bằng cách dựa vào biểu đồ giá, các công cụ phân tích kĩ thuật sẽ giúp bạn xác định được xu hướng di chuyển chung hiện tại của giá cổ phiếu. Bởi vì sẽ thật không mong muốn nếu cổ phiếu đó thật sự tiềm năng dựa trên phân tích cơ bản nhưng giá lại đang có xu hướng đi xuống.

Điều quan trọng bạn phải lưu ý là đôi khi phân tích cơ bản chỉ ra đây là một cổ phiếu tiềm năng nhưng xu hướng giá hiện tại của cổ phiếu lại đang đi xuống (tiếng Anh là “Downtrend”). Điều này là hoàn toàn có thể xảy ra. Và việc bạn cần làm là sử dụng phân tích kỹ thuật để xác định khi nào xu hướng giá giảm kết thúc và cổ phiếu bắt đầu bước vào thời kỳ xu hướng giá tăng (Uptrend).

Lời kết

Có hai trường phái phân tích chính trong phân tích cổ phiếu. Đó là phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật. Phân tích cơ bản tập trung vào kiểm tra những số liệu cơ bản của công ty, của ngành, và nền kinh tế. Phân tích kỹ thuật nghiên cứu biểu đồ giá của cổ phiếu trong quá khứ và hiện tại để dự đoán về giá cổ phiếu trong tương lai.

Cả hai phương pháp nên được kết hợp để tạo ra một chiến lược đầu tư toàn diện. Sau khi xác định được cổ phiếu tiềm năng dựa vào phân tích cơ bản, thì phân tích kỹ thuật được dùng để xác định điểm vào lệnh thích hợp.